Vải lanh, vải đũi không còn quá xa lạ với chúng ta bởi tính ứng dụng cao và phổ biến của hai loại vải này. Thực tế nhiều người hay nhầm lẫn hai loại vải này là một và không nhận ra sự khác biệt giữa hai chất liệu. Bài viết sẽ chỉ ra điểm khác nhau giữa vải lanh và vải đũi, giúp bạn lựa chọn vải đúng hơn, tối ưu hơn cho từng mục đích của mình.
Xét về nguồn gốc
Sẽ khó thể nào nhận ra được sự khác biệt giữa vải lanh và vải đũi. Ra tới các cửa hàng bán vải, ngay cả người bán cũng có thể nhầm lẫn mà giới thiệu cho bạn những miếng vải tằm, đũi tơ hay linen tưng nghe thật mỹ miều nhưng thực chất là loại vải sợi nhân tạo nóng bí. Thực chất, vải đũi và vải lanh (hay còn gọi là linen) là hai chất liệu hoàn toàn khác biệt. Sợi đũi có nguồn gốc từ động vật còn sợi lanh có nguồn gốc từ thực vật.
Vải đũi làm từ sợi tơ tằm
Đầu tiên, đũi có nguồn gốc từ động vật, và sợi vải từ động vật chúng ta nói tới ở đây là sợi tơ tằm. Trong quá trình ươm tơ, chỉ 40% được sử dụng để dệt lụa và 60% còn lại được sử dụng làm ra những sợi vải khác, trong đó có sợi đũi. Đũi của người Việt xưa thường là sợi tơ tằm dệt trơn, sợi to hơn lụa, có bề mặt tương tự vải bố nhưng chất liệu đũi mềm mại, xốp, nhẹ, mát.
Kén tằm nấu kỹ làm ra sợi đũi
Vải lanh làm từ sợi lanh
Vải lanh hay còn gọi là vải linen, có nguồn gốc từ thân cây lanh với những sợi lanh có chiều dài khoảng 25mm - 150mm, đường kính trung bình khoảng 12-16 mic. Có hai loại sợi là sợi xơ ngắn và sợi xơ dài, sợi dài thường giúp chất lượng vải tốt hơn. Các thành phần của cây lanh trải qua nhiều công đoạn xử lý, tạo thành sợi, sau đó gia công và dệt thành vải lanh.
Cây lanh là nguyên liệu chính làm nên vải lanh (vải linen)
Vải lanh ra đời từ rất lâu nhưng đến nay người tiêu dùng vẫn ưa chuộng chất liệu này bởi sự thoáng mát, nhẹ và dễ chịu mỗi khi mặc. Trước đây vải lanh được dệt bằng cách quay tơ, còn ngày nay vải được sản xuất từ các công nghệ dệt, tạo ra thành phẩm vải chất lượng với nhiều màu sắc, hoa văn độc đáo.
Và có một đặc điểm khác biệt lớn giữa vải lanh và vải đũi. Đó là do vải lanh được làm từ sợi cây, do đó, trong thời gian đầu sử dụng sẽ sản sinh nhiều xơ vải, sau quá trình sử dụng và giặt giũ một thời gian sẽ loại bỏ được hiện tượng này. Còn vải đũi thì hoàn toàn không có xơ vải.
Xét về quy trình sản xuất
Mỗi loại vải có nguồn gốc khác nhau nên quy trình sản xuất, xử lý để tạo ra vải thành phẩm cũng không giống nhau.
Quy trình sản xuất vải đũi
Vải đũi sử dụng phần dư thừa trong quá trình ươm tơ tằm nên bước chuẩn bị nguyên liệu nhanh chóng hơn so với sợi lanh:
- Nấu sợi đũi: Vải đũi được dệt trực tiếp từ đũi tằm, sợi đũi được nấu từ kén tằm nấu kỹ, sao cho sợi kén mềm ra. Quy trình này gần giống như nấu sợi tơ tằm nhưng sợi đũi sẽ to hơn.
- Kéo thành sợi: Sau khi sợi đũi được nấu kỹ, người thợ dệt lành nghề sẽ kéo sợi vải trong một chậu nước một cách thủ công, công đoạn này gọi là kéo cũi.
- Phơi sợi đũi: Kéo sợi xong, sợi đũi được kéo guồng thành sợi dài, sau đó phơi khô.
- Dệt vải đũi: Thợ dệt sử dụng sợi đũi đã phơi khô, dệt thành vải đũi. Vải đũi được sử dụng rộng rãi ngày nay trong nhiều lĩnh vực.
Quy trình sản xuất vải lanh
Do được dệt từ sợi lanh, vì thế để người thợ phải chăm sóc từ khi cây lanh còn nhỏ đến khi thu hoạch thật tỉ mỉ mới có thể đem đến hiệu suất vải tốt. Cây lanh thích hợp ở những nơi có khí hậu mát mẻ, chỉ mọc ở những nơi có khí hậu ôn đới, thân thảo. Cây lanh không cần chăm sóc quá cầu kỳ, tốc độ sinh trưởng của loại cây này khoảng 100 ngày.
- Thu hoạch: Khi thân cây lanh chuyển sang màu vàng, hạt chuyển sang màu nâu nghĩa là đủ điều kiện và thời gian để thu hoạch.
- Tách sợi: Cây nguyên bản sẽ được tách hạt ra khỏi cây. Phần cuống bên ngoài có dạng sợi sẽ được tách ra khỏi thân gỗ mềm của cây lanh. Sau đó, phần thân này được nhà sản xuất đưa qua trục cán để nghiền nhằm loại bỏ các sợi bên ngoài không sử dụng được, và lấy những sợi lanh bên trong để tiến hành các công đoạn tiếp theo.
- Chải và kéo sợi: Sợi riêng biệt sau khi được tách ra từ thân cây, tiếp tục được chải mỏng thật kỹ sau đó tiến hành kéo sợi. Sợi lanh càng dài thì càng cao cấp và chứng tỏ quá trình trồng trọt chăm bón đầy đủ, khí hậu thổ nhưỡng tốt. Để đảm bảo các sợi linen không bị đứt, gãy người ta phải thực hiện công đoạn kéo sợi này trong môi trường ẩm ướt và sợi sau khi được kéo sẽ được nhúng qua nước nóng nhằm tăng sự kết dính.
- Sấy khô: Nhà sản xuất sẽ tiến hành sấy khô thành phẩm, cuốn thành những sợi chỉ. Sợi linen nguyên bản thường là màu be, và kem nên thường sẽ được tẩy vải cho trắng, rồi mới nhuộm màu. Với công nghệ hiện đại, lanh được nhuộm từng sợi một, màu sắc bền và phong phú. Sau đó tùy từng loại vải lanh, người thợ dệt sẽ tiến hành các kiểu dệt khác nhau.
Xét về đặc điểm nhận diện bên ngoài
Vải lanh tự nhiên có mà kem hoặc ghi, với công nghệ hiện đại ngày nay, vải còn được nhuộm thành nhiều màu khác nhau, không bị phai dù trải qua nhiều lần giặt. Khi sờ, sẽ có cảm giác giòn và hơi cứng. Chất liệu lanh có kết cấu bền vững, mặt vải mượt mà kèm theo đó là độ bóng của mặt vải cao.
Vải lanh nguyên bản thường có màu kem hoặc trắng đục
Vải đũi cũng sở hữu độ bóng nhẹ do được dệt từ sợi tơ tằm. Bề mặt vải có nét tương đồng với vải thô, vải bố nhưng mềm mại, xốp nhẹ và thoáng mát hơn.
Xét về tính chất vải
Điểm giống nhau
Có nhiều lý do khiến hai loại vải này dễ bị nhầm lẫn với nhau. Về tính chất, đặc điểm vải có nhiều điểm tương đồng:
- Đều là chất liệu tự nhiên, an toàn cho sức khỏe người mặc
Vải đũi làm từ nguyên liệu tự nhiên, thân thiện với môi trường. Chính vì thế loại vải này sẽ phân hủy vô cũng dễ dàng nếu không sử dụng nữa. Các chuyên gia cũng đánh giá mức độ an toàn khi sử dụng sản phẩm này cao hơn các loại vải nhân tạo hay tổng hợp.
Vải lanh cũng có nguồn gốc từ sợi lanh, hoàn toàn tự nhiên nên không gây kích ứng cho da, dễ phân hủy khi không sử dụng nên được xem là sản phẩm thân thiện với môi trường.
- Cảm giác mát mẻ, thoải mái khi mặc
Cả hai chất liệu này đều được ưa thích khi thời tiết tại Việt Nam chuyển sang mùa nắng, nóng. Vải đũi có kết cấu đặc biệt với những khoảng hở nhỏ, không khí lưu thông qua đó nên hoàn toàn không xảy ra tình trạng bí bách, bám dính trên cơ thể, tạo cảm giác thoải mái cho người mặc. Khả năng thấm hút mồ hôi tốt, bay hơi nhanh cũng là ưu điểm vượt trội của chất liệu lanh, vì thế bề mặt vải luôn khô ráo, được nhiều người ưa chuộng, đặc biệt trong thời tiết nắng nóng.
- Cả hai chất liệu này đều dễ nhăn
Các sản phẩm, trang phục làm bằng vải lanh hoặc vải đũi thường dễ nhăn. Đó là điểm cộng và cũng là điểm yếu của hai chất liệu này. Bạn có thể dễ dàng phân biệt chúng với các chất liệu khác bởi hiệu ứng co nhăn thú vị này. Thực tế, hiện tượng co giãn, nhăn là biểu hiện của việc giảm chất lượng ở một số loại vải nhưng ở vải lanh và vải đũi lại là biểu hiện của chất lượng vải tốt, đặc trưng thú vị của chất liệu. Xét và độ nhăn thì vải đũi dễ nhăn hơn vải lanh.
Vải lanh và vải đũi rất dễ nhăn
Chính bởi độ nhăn của hai loại vải này mà khi giặt, sau khi giặt và phơi khô, bạn nên treo chúng lên thay vì gấp gọn trong tủ đồ.
- Độ co giãn thấp
Cả hai chất liệu đều được làm từ sợi vải tự nhiên, độ co giãn thấp hoặc gần như không co giãn. Vì thế khi lựa chọn trang phục hay may quần áo từ chất liệu này, bạn nên chú ý lựa chọn kích thước rộng hơn một chút để đảm bảo khi mặc thoải mái, vừa vặn hơn.
- Dễ giặt giũ
Vải đũi và vải lanh thường mỏng, khả năng thấm hút tốt nên việc giặt giũ không quá khó khăn. Sau nhiều lần giặt, chất liệu càng mềm mại hơn mà không giảm sút chất lượng vải. Vải còn rất nhanh khô, không có mùi hôi khó chịu trong những ngày mưa kéo dài.
Hai chất liệu đều dễ dàng bảo quản và giặt giũ, tiện lợi cho người sử dụng
Điểm khác nhau
- Vải lanh sở hữu khả năng chịu nhiệt tốt
Những sợi lanh bền, chắc, dẻo dai đã tạo nên tính chất vải với khả năng chịu nhiệt tốt. So với vải đũi, vải lanh dày dặn hơn và sở hữu khả năng chịu nhiệt tuyệt vời nên ngoài quần áo may mặc hàng ngày, lanh còn được sử dụng làm áo chống nắng, váy chống nắng hay vải bọc xe,...
- Vải lanh có sợi xơ tự nhiên
Như đã giải thích ở trên, vải lanh được làm từ sợi cây lanh nên bề mặt vải thường xuất hiện những sợi xơ tự nhiên. Mặc dù công nghệ ngày nay hiện đại và tiên tiến hơn trước, nhưng nhìn chung, sợi vải lanh vẫn có phần thô ráp hơn so với vải đũi. Chất liệu vải thường dày và kết cấu chắc chắn hơn.
- Vải lanh có độ bền cao hơn
Vải lanh có độ bền bỉ hơn so với vải đũi nhờ được liên kết bởi những sợi lanh dài và bền chắc. Vải đũi mềm, mỏng nên bề mặt vải rất dễ bị ảnh hưởng nếu tác động những vật sắc nhọn. Điều này ít xảy ra ở vải lanh, và cũng bởi lý do đó mà người tiêu dùng ưa chuộng chất liệu lanh hơn so với đũi. Tuy nhiên, mặc dù sợi lanh khá bền chắc nhưng khi là, ủi nhiều lần ở một vị trí liên tục, các sợi vải sẽ bị đứt, đặc biệt là những nơi như cổ hay viền áo,...
Vải lanh có độ bền cao hơn, khả năng chịu nhiệt tốt
Xét về phân loại
Với sự phát triển như ngày nay, mỗi chất liệu vải đều có nhiều loại khác nhau để đáp ứng nhu cầu của người dùng. Vải lanh và vải đũi đều rất đa dạng chủng loại.
Có 5 loại vải đũi khác nhau:
- Vải đũi thô: Là sự kết hợp của sợi đũi và sợi thô nên chất liệu vừa có sự thoáng mát, siêu nhẹ lại có độ cứng cáp, lên form chuẩn. Tuy độ nhăn của đũi thô ít hơn những loại vải khác nhưng khi mặc vẫn khó tránh khỏi tình trạng nhăn.
- Vải đũi cotton: Nhà sản xuất đã lợi dụng tính năng nổi bật của vải cotton, kết hợp với sợi đũi để tạo nên chất liệu đũi cotton với đặc điểm: thoáng mát, mềm mại - là lựa chọn lý tưởng cho ngày hè nóng bức.
- Vải đũi xước: Bề mặt vải thường có những vết xước dọc theo sợi dệt. Chất đũi này thường dày hơn so với cotton đũi nhưng vẫn đảm bảo cảm giác thoáng mát cho người mặc.
- Vải đũi trơn: Tuy bề mặt không trơn tru như vải cotton hay vải lanh nhưng đũi trơn khá mịn, không có nhiều đường vân.
- Vải đũi Thái: Chất liệu sở hữu những đặc điểm nổi bật của chất liệu đũi: nhẹ, thoáng mát, khả năng thấm hút mồ hôi tốt.
Tùy mục đích sử dụng khác nhau, vải lanh cũng được chia thành nhiều loại:
- Vải lanh lụa: là sự kết hợp giữa sợi lanh và sợi lụa, với ưu điểm nổi bật là sự mềm mại, độ bóng mượt của lụa kết hợp với tính thoáng khí, dày dặn, giữ nhiệt tốt.
- Vải lanh cotton: là sự kết hợp giữa hai ưu điểm tuyệt vời của sợi lanh và sợi cotton. Cotton giúp vải lanh mềm mại hơn nhưng vẫn giữ được sự dày dặn của vải, đồng thời làm giảm nếp nhăn đáng kể sau khi giặt.
- Vải lanh bột: Chất liệu này khá thông thoáng, mát, thoải mái, dễ chịu khi cảm nhận nhưng độ bền không cao, rất dễ bị nhũn sau nhiều lần giặt.
- Vải lanh ướt: Loại vải này cũng có đặc điểm mềm mại, thoáng khí, không bị dị ứng và lành tính với làn da nhưng lại dễ co rút và nhão sau nhiều lần giặt nên chất liệu thường được sử dụng chủ yếu để may rèm cửa.
- Vải lanh xước: Chất liệu này rất dễ phân biệt với các loại vải linen khác nhờ bề mặt có những vết xước, thường có màu sắc đậm hơn màu vải một chút. Tuy nhiên chúng lại hay bị nhầm lẫn với vải đũi bởi bề mặt vải có những vết xước, giống với những khoảng hở trên bề mặt vải đũi.
Xét về giá tiền
Giá thành của hai chất liệu này không chênh nhau quá lớn. Vải lanh và vải đũi được xem là một trong những loại sợi tự nhiên có giá thành phải chăng, không quá cao như sợi tơ tằm, phù hợp với thu nhập tầm trung đến cao của người tiêu dùng Việt.
Tùy từng loại vải khác nhau sẽ có mức giá khác nhau. Thông thường vải lanh, vải đũi có mức giá dao động từ 100.000 - 250.000/mét, tùy từng loại vải sẽ có mức giá thành khác nhau. Bạn cũng có thể mua được mức giá rẻ hơn nếu mua số lượng lớn.
Vậy vải đũi và vải lanh khác nhau thế này? Hãy cùng nhìn lại điểm khác biệt của hai chất liệu này nhé:
Tiêu chí |
Vải đũi |
Vải lanh |
Nguồn gốc vải |
Dệt từ sợi tơ tằm |
Dệt từ sợi lanh |
Đặc tính |
Bề mặt vải có nét tương đồng với vải thô, vải bố nhưng mềm mại, xốp nhẹ và thoáng mát hơn. Độ bóng nhẹ |
Kết cấu bền vững, mặt vải mượt, độ bóng cao |
Ưu điểm |
Chất liệu tự nhiên, an toàn Cảm giác mát mẻ, thoải mái khi mặc Độ bền trung bình |
Chất liệu tự nhiên, an toàn Mang đến cảm giác mát mẻ, thoải mái. Khả năng chịu nhiệt tốt Độ bền cao |
Nhược điểm |
Dễ nhăn Không co giãn |
Dễ nhăn Không co giãn |
Phân loại |
Vải đũi thô; đũi cotton; đũi xước; đũi trơn; đũi Thái |
Vải lanh lụa; lanh cotton; lanh bột; lanh ướt, lanh xước. |
Ứng dụng |
Thời trang may mặc; phụ kiện; may chăn ga gối; rèm cửa, bọc ghế; vỏ gối;... |
Thời trang may mặc, may chăn ga gối; vật dụng trang trí nội thất: rèm cửa, khăn trải bàn,... |
Với những thông tin hữu ích trên đây, bài viết hi vọng có thể giúp bạn hiểu rõ hơn sự khác biệt của hai chất liệu lanh và đũi. Cả hai sản phẩm đều được ứng dụng rộng rãi trên thị trường ngày nay. Tùy vào mục đích sử dụng, hãy chọn cho mình đúng chất liệu để đạt hiệu quả tối ưu nhé.