Voan đã có mặt rất lâu đời nhưng cho đến nay chất liệu vẫn chưa bao giờ mất đi vẻ quyến rũ của nó. Phái đẹp rất ưa chuộng vải voan bởi vẻ đẹp bay bổng, nhẹ nhàng mang lại trong từng bộ trang phục. Thế nhưng voan được sản xuất thế nào, chúng có nguồn gốc từ đâu không phải ai cũng biết. Hãy cùng tìm hiểu những thông tin hữu ích về chất liệu voan ngay trong bài viết dưới đây nhé.
Định nghĩa vải voan
Vải voan là gì? Thành phần vải ra sao?
Chất liệu voan được làm từ sợi tổng hợp như nylon hoặc polyester, và phổ biến nhất được tạo ra bằng cách sử dụng polyester do chi phí thấp và độ bền - cũng như khả năng chống ố. Độ mềm, mỏng của vải voan được đánh giá cao hơn vải kate. Voan mỏng, nhẹ, thích hợp với những ai đang tìm kiếm chất vải thanh lịch, nữ tính. Tuy nhiên ưu điểm này cũng là nhược điểm của vải voan bởi chất liệu hơi mỏng, mềm rủ tự nhiên. Vì thế khi chọn trang phục từ vải voan, bạn nên ưu tiên những thiết kế áo xếp ly, bèo nhún hay họa tiết rực rỡ để tránh vải mỏng, trong suốt gây phản cảm.
Vải voan thường mỏng, mềm mại, trong suốt
Bên cạnh thành phần chủ yếu là polyester, voan cũng có thể làm từ các loại sợi tự nhiên như cotton, lụa. Voan lụa sở hữu độ bóng, mịn, nhẹ và bền bỉ với thời gian. Hầu hết các sợi vải làm nên voan đều có thể nhuộm gần như bất kỳ màu nào. Tuy nhiên nhuộm các sợi tổng hợp như polyester lên màu chuẩn và nhanh chóng hơn bởi sợi nhân tạo có thể chịu được nhiệt độ cao, thuốc nhuộm trong các giai đoạn gia nhiệt ban đầu.
Nguồn gốc của vải voan
Vải voan có nguồn gốc từ chữ “veli” trong tiếp Pháp và quốc gia này cũng là nơi đầu tiên sản xuất voan. Những tấm vải voan từ thuở sơ khai được dệt hoàn toàn từ sợi cotton. Trong vài thập kỷ đầu của những năm 1900, voan lụa phát triển rộng rãi ở Hoa Kỳ, các nhà sản xuất khi đó đã bắt đầu nghiên cứu để tìm ra một loại sợi có thể thay thế lụa, để giảm bớt chi phí thành phẩm.
Năm 1938, chất liệu voan không sử dụng tơ lụa đầu tiên được đưa vào thị trường. Vào thời điểm đó, vải voan được làm từ nylon như một chất liệu “kỳ diệu” nhanh chóng voan được dệt từ sợi hữu cơ. Tuy nhiên, có nhiều tranh cãi về việc sử dụng nylon nên vải voan lại tiếp tục sử dụng sợi tơ tằm như trước đó.
Đến năm 1958, phiên bản voan được dệt từ polyester ra đời, đánh dấu sự phát triển toàn diện của chất liệu này. Cho đến nay, vải voan vẫn sử dụng sợi polyester trong thành phần. Tuy nhiên độ mềm hay “mượt” của chất liệu này không thể bằng voan dệt từ sợi hữu cơ.
Từ thời xưa, vải voan đã được sử dụng làm đồ cưới cho cô dâu
Trong khi phần lớn voan ngày nay đều được làm từ polyester, nhà sản xuất vẫn thử kết hợp với các loại sợi khác để làm nên chất liệu voan như rayon, cotton nhưng không mang đến đầy đủ đặc điểm của voan như chất liệu tổng hợp hoặc bán tổng hợp khác. Sợi tơ lụa ngày nay vẫn được sử dụng để sản xuất voan và là chất liệu vải dệt xa xỉ ngày này bởi giá thành khá cao.
Thay vì thay đổi chất liệu khác nhau, vải voan được dệt từ nhiều phương pháp độc đáo và khác biệt để làm nên nhiều loại voan khác nhau. Phương pháp dệt được sử dụng chủ yếu là xoắn S - Z xen kẽ. Tên gọi này bắt nguồn từ hình dạng sợi mà voan sử dụng: Sợi được tạo thành hình chữ S, sau đó dệt theo hình như S để tạo thành chất vải hơi nhăn, tăng độ đàn hồi và bền chắc cho mặt vải.
Vải voan lụa ban đầu chỉ được giới thượng lưu sử dụng bởi giá thành cao. Sau này, vải được sử dụng tương đối phổ biến nhờ cải tiến trong thành phần và quy trình sản xuất. Voan được ứng dụng phổ biến trong nhiều lĩnh vực từ nơ trang trí ruy băng đến váy cưới, là chất liệu cả thế giới đều yêu thích.
Quy trình sản xuất
Quy trình sản xuất của voan phụ thuộc vào chất liệu mà chúng sử dụng trong thành phần. Chẳng hạn, voan được dệt từ sợi tơ tằm thì cần trải qua công đoạn sản xuất loại sợi này như nhân giống tằm, làm mềm kén, quay sợi,.. Hay voan được làm từ sợi polyester thì chúng được tổng hợp sợi hoàn toàn bằng hóa chất và thực hiện trong phòng thí nghiệm.
Tuy nhiên, bất kể voan được sản xuất từ chất liệu nào, khi chúng đã được tạo thành sợi thì việc dệt vải voan vẫn thống nhất một công đoạn. Sợi dệt được sắp xếp theo các đường cong của hình chữ S và chữ Z đối lập, sau đó được tiến hành dệt bằng máy dệt công nghiệp.
Sợi dệt được sắp xếp theo các đường cong của hình chữ S và chữ Z đối lập
Khi tấm vải voan được hình thành, người thợ dệt phải đặt lên nó một tấm vải phẳng, trơn để các đường khâu được liên kết chặt chẽ với nhau, tăng thêm độ hoàn hảo cho vải. Tiếp đó, sử dụng hai tấm giấy được sử dụng để kẹp, giữ chúng lại đảm bảo khâu cắt vải dễ dàng hơn. Sau khi cắt xong, thành phẩm được tách ra khỏi miếng giấy và đưa vào sản xuất với ứng dụng tương ứng.
Tính chất của vải voan
Tính chất vật lý
- Vải có đặc tính mềm mại, nhẹ nhàng, bắt sáng tốt
- Bề mặt vải xuyên thấu, tạo cảm giác tinh khiết, bay bổng
- Giữ nếp, chống nhăn
- Có độ mỏng và mềm tự nhiên
Tính chất hóa học
- Độ co giãn thấp hoặc không co giãn do thành phần từ sợi poly
- Dẫn nhiệt kém nên không thích hợp mặc vào mùa đông
- Dễ cháy
- Nhạy cảm với axit và kiềm
Đặc điểm của vải voan
Vải voan, cũng như các chất liệu khác, sở hữu những ưu điểm nổi bật tạo sự khác biệt của vải. Hãy cùng khám phá voan có ưu điểm và nhược điểm gì nhé.
Ưu điểm của chất liệu voan
- Không nhăn, không nhàu
Những chất liệu dễ nhăn thường khiến người mặc e ngại bởi chúng ảnh hưởng nhiều đến thẩm mỹ nếu không là, ủi trước khi mặc. Đối với vải voan, bạn hoàn toàn không phải e ngại vì vấn đề này bởi chất liệu đã khắc phục nhược điểm này của các loại vải khác. Tất cả các sản phẩm từ voan đều không nhắn, không nhàu, tiết kiệm thời gian là, ủi trước khi mặc.
- Mát mẻ vào mùa hè
Với chất liệu mỏng, nhẹ từ sợi vải tổng hợp, vải voan thoáng và mát khi mặc. Vì thế nhiều người ưa chuộng những chiếc váy công sở bằng vải voan cho mùa hè.
Vải voan rất thoáng và mát khi mặc vào ngày hè
- Đa dạng kiểu dáng, màu sắc
Với vải voan, bạn có thể sáng tạo nhiều thiết kế khác nhau mà không bị ràng buộc bởi bất cứ trang phục nào: từ chân váy, váy dài, váy ngắn, áo sơ mi, phụ kiện trang trí đều có thể sử dụng vải voan với màu sắc đa dạng và bắt mắt.
- Tôn vinh vẻ đẹp mềm mại, thướt tha
Vải voan rất mềm mại, mịn màng nên bất cứ cô nàng nào diện trang phục voan để toát lên được vẻ đẹp tinh khiết, bồng bềnh này, đây cũng là ưu điểm nhiều cô gái yêu thích. Bên cạnh đó, tính chất mềm mại của vải voan còn được trang trí thêm họa tiết, hoa văn để trang phục thêm nhã nhặn hơn trong những buổi tiệc hay buổi đi chơi.
Nhược điểm của vải voan
Sở hữu những ưu điểm vượt trội nhưng vải voan vẫn tồn tại một số yếu điểm như:
- Chất liệu mỏng
Độ mềm mại, mỏng manh của voan vừa là ưu điểm, vừa là nhược điểm của chất liệu này bởi voan quá mỏng, khi may áo mà không có lớp lót bên trong sẽ trở nên hở hang. Voan cũng dễ cháy, dễ rách, khó giữ nếp nên thường không được sử dụng làm quần áo trẻ em.
- Dễ bám bẩn
Nếu vô tình làm bẩn vải voan, bạn hãy nhanh chóng làm sạch nếu không muốn vết bẩn này bám vĩnh viễn trên vải.
- Rất khó thiết kế
Với những ai mới thực hành nghề may, vải voan thực sự là bài toán khó. Chất vải trơn nên khi cắt, may là thách thức khá lớn. Chất liệu đòi hỏi tay nghề và kỹ thuật may khá cao.
Phân loại vải voan
Trên thị trường ngày nay có nhiều loại voan khác nhau mà người dùng có thể lựa chọn. Tùy theo nhu cầu và mục đích sử dụng, bạn có thể chọn một trong những loại voan phổ biến dưới đây:
Voan xốp
Chất vải voan xốp
Đây là chất liệu chủ yếu được sử dụng để may áo vì đặc điểm nhẹ, xốp lại rất dễ dàng trong công đoạn thiết kế và dệt may thành phẩm. Đồng thời vải voan xốp có mức giá tương đối phù hợp với túi tiền của nhiều đối tượng khác nhau.
Voan nhung
Trong số các loại vải voan, voan nhung có giá thành đắt nhất. Vì thế chất liệu vải rất đẹp, ánh nhung mịn màng, nhẹ nhàng. Bề mặt vải có sự pha trộn giữa nét thanh mảnh, nhẹ nhàng của voan và sang trọng, quyền quý của nhung. Chất liệu voan nhung lý tưởng cho những bộ đầm dự tiệc, đầm dạ hội, đi chơi, tôn thêm nét đẹp bí ẩn, sang trọng của người con gái.
Voan tơ
Voan tơ
Nếu voan nhung là sự kết hợp giữa voan và nhung thì voan tơ là sự kết hợp giữa voan và sợi tơ tằm. Chính bởi vậy chất liệu sở hữu đầy đủ đặc tính của hai chất liệu. Voan tơ có chất lượng tốt hơn voan nhung và voan xốp, khi mặc mang lại cảm giác mát mẻ, thoải mái, mềm mại, đặc biệt là thời tiết ngày hè nóng bức. Voan tơ có giá tương đương với voan nhung và cũng là chất liệu cao cấp.
Ứng dụng của vải voan trong đời sống
Từ xưa đến nay, vải voan được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực cuộc sống bởi ưu điểm mà chất liệu này mang lại. Một số ứng dụng của chất liệu voan ngày nay có thể kể đến:
Trong may mặc
Vải voan được ứng dụng phổ biến nhất trong ngành may mặc bởi vẻ đẹp thướt tha, bồng bềnh cửa chất liệu. Bạn có thể bắt gặp chất voan được sử dụng những bộ đầm maxi, váy công sở, váy suông, váy cho bà bầu… Những thiết kế đòi hỏi sự mềm mại nhưng vẫn đảm bảo nổi bật, xòe nhún hay xếp ly,...
Vải voan thường được sử dụng để may trang phục ngày hè
Bên cạnh đó, vải voan còn được sử dụng làm phụ kiện để tăng thêm vẻ quý phái, sang trọng như khăn choàng cổ, ruy băng hay đồ lót hay điểm xuyết thêm chi tiết trên các bộ trang phục sử dụng loại vải khác để tăng điểm nhấn. Những cô nàng có thân hình nhỏ, gầy sẽ rất thích độ rủ, mềm mại của voan vì chúng “cứu cánh” cho bạn trở nên cân đối và đầy đặn hơn.
Trong nội thất
Voan không chỉ phổ biến trong ngành thời trang mà chúng còn được sử dụng để trang trí nội thất hiệu quả. Ứng dụng nổi bật nhất có thể kể đến là rèm cửa. Chất vải voan là lựa chọn lý tưởng mang đến không gian thoáng đãng, mềm mại hơn so với những chất liệu khác. Vẻ đẹp của chất voan còn giúp căn phòng hấp thu thêm ánh sáng tự nhiên đồng thời tăng thêm nét tinh tế, sang trọng, hiện đại cho ngôi nhà.
Rèm cửa làm từ vải voan có thể tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên
Cách bảo quản vải voan đúng nhất
Để trang phục hoặc vật dụng bằng vải voan luôn sạch và có độ bền lâu nhất, bạn cần lưu ý giặt vải voan theo những cách sau:
Quá trình giặt và bảo quản vải voan không đòi hỏi cầu kỳ, phức tạp
Cách giặt vải voan
Bạn có thể giặt vải voan bằng tay hoặc bằng máy đều được. Tuy nhiên nếu áo voan có cúc, bạn nên gỡ chúng ra, tránh cúc áo làm xước hoặc rách vải.
- Không ngâm quần áo may từ vải voan trước khi giặt
- Có thể giặt vải voan bằng sữa tắm hoặc dầu gội để tránh bị phai màu
- Sử dụng móc treo gỗ để treo vải voan để tránh làm rách vải
- Không phơi quần áo từ vải voan trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời
Cách bảo quản vải voan
Bảo quản vải voan rất dễ. Vì vải không bị nhàu hơi nhăn nên bạn có thể gấp trong tủ. Để giữ được độ mềm mại, thanh mảnh của chất liệu, bạn có thể dùng móc treo quần áo.
Hi vọng với những thông tin hữu ích trên đây, bạn có thể hiểu rõ hơn về chất liệu vải voan. Loại vải có tính mềm mại, thoáng mát nên thích hợp làm trang phục ngày hè. Ngày nay giá thành của voan khá dễ chịu nên ai cũng có thể lựa chọn sử dụng chất liệu này.