Tìm kiếm Blog
Đệm lò xo bị mốc giặt thế nào vừa nhanh vừa sạch?

Đệm lò xo bị mốc giặt thế nào vừa nhanh vừa sạch?

Đăng trong: Chuyên gia tư vấn

Với xu hướng nhà ở hiện đại, sử dụng đệm lò xo không còn là điều quá mới mẻ khi chúng đem đến những giá trị vượt trội cho sức khỏe & giấc ngủ. Tuy nhiên, việc vệ sinh đệm lò xo chưa bao giờ là dễ dàng, đặc biệt khi chúng xuất hiện những vết mốc và ố vàng lâu ngày. Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn bạn từ A-Z khi vệ sinh đệm lò xo bị mốc ngay tại nhà.

Đi tìm nguyên nhân gây mốc đệm

Mồ hôi & tế bào chết

Cũng giống như quần áo chúng ta mặc trên người, đệm lò xo dễ bị mốc khi tiếp xúc với cơ thể thường xuyên. 

Trong khi ngủ, cơ thể sản sinh ra 300-500ml mồ hôi mỗi đêm. Số lượng này cao hơn rất nhiều ở những người bị ra mồ hôi trộm & phụ nữ sau sinh. Cùng với đó là hàng tỉ tế bào chết bám lại trên bề mặt đệm là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây nên hiện tượng mốc và mùi hôi khó chịu

Mỗi đêm cơ thể đào thải ra vô vàn tế bào chết và mồ hôi khi ngủ

Đồ ăn thức uống

Nhiều người có thói quen ăn uống trên giường và những mảnh vụn rơi ra vô tình trở thành ổ vi khuẩn trú ngụ. Nếu không phát hiện kịp thời sẽ trở thành những vết mốc khó vệ sinh trên bề mặt đệm lò xo.

Không khí ẩm ướt

Việt Nam nằm trong khu vực nhiệt đới ẩm gió mùa nên có mùa nồm ẩm (khoảng tháng 2 – 4 dương lịch) khiến nhà cửa, chăn nệm đều bị ẩm ướt. Vi khuẩn, nấm sẽ sinh sôi tốt trong quãng thời gian này nên tình trạng nệm bị mốc diễn ra thường xuyên hơn.

Nước tiểu của trẻ nhỏ & thú cưng

Ngoài những nguyên nhân trên thì nước tiểu của trẻ em và thú cưng khi không được làm khô hoàn toàn cũng là nguyên nhân dẫn đến những vết mốc trên nệm.

Nước tiểu của trẻ cũng là một trong những nguyên nhân gây mùi và nấm mốc đệm lò xo

Nước tiểu của trẻ cũng là một trong những nguyên nhân gây mùi và nấm mốc đệm lò xo

Cách xử lý nệm bị mốc hiệu quả bất ngờ

Bước 1: Lột bỏ drap & các phụ kiện đi kèm

Hầu hết các loại drap bọc đệm đều được may từ các chất liệu mềm mát như cotton, tencel, lụa tơ tằm, linen vv... và có thể làm sạch dễ dàng bằng máy ở chế độ giặt nhẹ. Để giặt sạch drap, bạn cần thực hiện các bước sau:

- Giũ thật mạnh để loại bỏ dị vật còn bám trên ga gối

- Lộn gối drap, vỏ chăn, vỏ gối

- Nếu drap có những vết bẩn cứng đầu, hãy thoa một ít nước giặt trực tiếp lên mặt ga, vò tay để vết bẩn bong ra

- Cho toàn bộ vỏ ga gối vào máy và điều chỉnh ở chế độ giặt nhẹ

- Sau khi giặt xong, giũ phẳng ga và phơi ở nơi bóng mát. Không phơi trực tiếp dưới ánh nắng đề phòng ga bị bạc màu.

Điều chỉnh máy giặt về chế độ giặt nhẹ để bảo vệ độ bền của chăn ga

Điều chỉnh máy giặt về chế độ giặt nhẹ để bảo vệ độ bền của chăn ga

Bước 2: Hút bụi

Trước khi xử lý vết mốc, bạn cần hút sạch bụi bẩn còn sót lại trên nệm. Nên dùng máy hút bụi có gắn cọ nhỏ để làm sạch mọi ngóc ngách trên đệm. Sau khi hút sạch bụi, hãy làm sạch máy hút để đảm bảo rằng không còn phần tử nấm mốc nào còn sót lại và lây lan ra các vị trí khác của đệm.

Bước 3: Xử lý vết mốc bằng chất chuyên dụng

Vết mốc là một trong những loại vết bẩn cứng đầu nhất & khó xử lí nhất trên đệm. Vì thế không thể làm sạch chúng bằng nước thông thường. Một số chất xử lý sau đây sẽ giúp việc loại bỏ nấm mốc trở nên nhanh gọn hơn:

  • Baking soda

Hướng dẫn sử dụng:

- Thoa nước ấm lên bề mặt mốc

- Rắc baking soda lên phía trên. Tùy vào diện tích bị mốc mà rắc 1-3 thìa baking soda cho phù hợp.

- Dùng bàn chải mềm, chải nhẹ nhàng vùng bị mốc khoảng 20-30 phút

- Dùng máy hút bụi để làm sạch phần bột trên mặt đệm.

Baking soda có tác dụng rất tốt trong việc loại trừ nấm mốc

Baking soda có tác dụng rất tốt trong việc loại trừ nấm mốc

  • Rượu isopropyl và nước ấm

Ancol isopropylic là dung môi đắt tiền trên thị trường. Nó được sử dụng hiệu quả để loại bỏ các vết bẩn cứng đầu, trong đó có ẩm mốc. Để khử mốc trên nệm, bạn hãy pha dung môi này với nước ấm. Dùng bàn chải thấm hỗn hợp và chà mạnh lên vết mốc đến khi sạch.

  • Chanh tươi

Từ lâu chanh đã được biết đến là thực phẩm có tính khử khuẩn cao,thường được sử dụng làm chiết xuất cho các loại nước tẩy rửa trên thị trường.

Với những quả chanh tươi, bạn hoàn toàn có thể làm sạch vết mốc trên đệm bằng những bước sau đây:

- Vắt chanh lấy nước cốt

- Dùng khăn mềm thấm nước chanh và thoa lên khu vực bị mốc

- Dùng bàn chải mềm chà nhẹ khoảng 15 phút.

- Lấy khăn ẩm lau sạch vùng đệm vừa xử lý

- Đem đệm phơi ra ngoài nơi có ánh nắng.

  • Hóa chất chuyên dụng

Đối với những vết bẩn cứng đầu, xử lí bằng nguyên liệu tự nhiên là rất khó để loại bỏ. Trong trường hợp này, bạn nên sử dụng hóa chất chuyên dụng như Amoniac, chlorine dioxide vv.... Chỉ cần làm ướt bề mặt nệm bị mốc, thoa trực tiếp các hóa chất này lên khoảng 30 phút và chải sạch với bàn chải.

Bước 4: Lau lại bằng vải ẩm

Sau khi sử dụng các chất xử lý nấm mốc bạn cần dùng vải ướt lau lại thật sạch bề mặt nệm. Lưu ý, chỉ sử dụng miếng vải ẩm, không quá ướt, điều này có thể làm cho nệm bị ẩm vào sâu bên trong và khiến nấm mốc phát triển nhiều hơn.

Bước 5: Xịt khử trùng

Đừng quên bước xịt khử trùng để loại bỏ hoàn toàn mầm mống của vi khuẩn gây mốc trong đệm. Bạn có thể ra cửa hàng tạp hóa, ở đó có các chất khử trùng chuyên dụng, an toàn, phù hợp với nhu cầu của bạn.

Bước 6: Phơi nơi thoáng mát

Nếu chăn ga chỉ nên phơi nơi thoáng mát thì đệm hãy phơi ngoài nơi có ánh nắng. Nhiệt lượng cao từ ánh nắng mặt trời sẽ giúp ức chế nấm mốc phát triển và làm khô đệm hoàn toàn.

Một số tips hạn chế nấm mốc trên đệm

Để tiết kiệm thời gian vệ sinh đệm mỗi năm, hãy chú ý các gạch đầu dòng dưới đây để chiếc đệm nhà bạn luôn sạch mới:

Vệ sinh định kỳ

Vệ sinh cả hai mặt đệm, đều đặn 6 tháng/lần. Mục đích chính của việc này là loại bỏ các ổ vi khuẩn, ổ nấm mốc cũng như bảo vệ làn da của bạn.

Vệ sinh định kỳ không chỉ tăng tính thẩm mỹ cho đệm mà còn trực tiếp bảo vệ sức khỏe của bạn

Vệ sinh định kỳ không chỉ tăng tính thẩm mỹ cho đệm mà còn trực tiếp bảo vệ sức khỏe của bạn

Dùng ga gối thoáng mát, giảm bớt việc đổ mồ hôi

Bạn nên sử dụng những chất liệu chăn ga mát mẻ, thân thiện với làn da như cotton, tencel, lụa, linen vv... để tạo cảm giác thoáng mát, từ đó hạn chế việc đổ mồ hôi & cảm giác bí bách khi ngủ.

Dùng tấm topper hoặc tấm bảo vệ đệm

Với những gia đình có thú cưng, trẻ nhỏ hoặc người già, sử dụng tấm bảo vệ đệm là lựa chọn sáng suốt. Tuy không ngăn chặn được các loại chất lỏng nhưng có thể giữ lại tóc, tế bào chết và vụn thức ăn.

Để phòng ngủ luôn thoáng mát


Một phòng ngủ luôn thoáng mát sẽ giúp hạn chế mầm mống sinh sôi của vi khuẩn

Luôn cho ánh nắng vào phòng, mở cửa sổ thông thoáng trong mùa khô và đóng cửa khi thời tiết nồm ẩm sẽ hạn chế môi trường sinh sôi của các vi khuẩn nấm mốc phát triển.

Nệm bị nấm mốc là vấn đề tưởng chừng rất nan giải nhưng bạn hoàn toàn có thể áp dụng những cách xử lý đơn giản mà rất hiệu quả tại nhà. Chúc bạn thành công với các phương pháp trên để nói lời tạm biệt với nấm mốc trên nệm nhé!

6 tháng 8, 2021